Công việc nào cho sinh viên luật mới ra trường?

by - 04:13:00

Chào các em, 
Bài này mình viết dựa trên kinh nghiệm đi làm và vốn hiểu biết thị trường lao động ít ỏi của bản thân. Vì thế, cũng không thể coi góc nhìn hay định hướng của mình là đúng đắn, cũng đừng lấy đó làm kim chỉ nam để xác định công việc sau này. Mình viết bài này mục đích chỉ để giúp các bạn sinh viên năm cuối, sinh viên mới ra trường có thể tham khảo một số lựa chọn, và biết đâu có thể tìm thấy công việc phù hợp với khả năng, tính cách của bản thân.




Giới thiệu sơ qua một chút, lịch sử làm việc của mình như sau:
  • Thời sinh viên: 
- Thực tập chạy hồ sơ tại 2 văn phòng luật nhỏ (nhân sự chỉ dưới 5 người, lương trợ cấp);
- Thực tập tại ban pháp chế của 1 tập đoàn (nhân sự khoảng 500 người, lương trợ cấp);
- Làm nhân viên pháp chế kiêm hành chính của 1 công ty (nhân sự khoảng 100 người, lương ổn)
  • Sau khi ra trường:
- Làm nhân viên tại một công ty luật cỡ trung, cũng có tên tuổi trong giới luật (nhân sự khoảng 100 người, lương ổn)
- (Công việc hiện tại) Làm nhân viên pháp chế của một tập đoàn, đã lên sàn và có tá lả các công ty con (nhân sự khoảng 3000 người, tập trung trên tập đoàn thì trên dưới 100 người thôi, ban pháp chế có 04 người, lương ổn hơn chút nữa)

Nói chung, ngành nào cũng sẽ có 3 xu hướng công việc chính là: (i) làm đúng chuyên môn, rất chuyên sâu; (ii) làm đúng chuyên môn, tuy nhiên không quá chuyên sâu và đòi hỏi kết hợp nhiều kỹ năng khác; và (iii) làm trái ngành. 

1. Công việc đúng chuyên môn, cần nghiên cứu và áp dụng chuyên sâu kiến thức ngành:
Một số công việc có thể kể ra đó là: nhân viên pháp chế, chuyên viên tư vấn tại văn phòng luật,... Các công việc này cũng có thể tiếp tục chia nhỏ hơn theo lĩnh vực chuyên sâu như doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, tố tụng,...
Theo đó, các công ty hay văn phòng luật thường chấp nhận các bạn sinh viên mới ra trường thường là các công ty quy mô nhỏ, văn phòng luật không quá lớn. Tuy nhiên, cũng có những tập đoàn lớn và các công ty luật thuộc hàng top tier (như Baker & McKenzie, Freshfields Bruckhaus Deringer, Hogan Lovells, YKVN, VILAF,...) sẵn sàng tuyển và săn đón những sinh viên xuất sắc (cả về kiến thức, kỹ năng lẫn ngoại ngữ) từ khi còn học năm 3, năm 4. 
Quay lại các công ty và văn phòng luật có quy mô nhỏ, chính vì quy mô nhỏ và ít tên tuổi nên các chế độ đãi ngộ sẽ không được quá tốt, các vụ việc cũng khá nhỏ và mang tính chất lặp đi lặp lại nhiều. Thông thường, các công ty nhỏ chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường làm nhân viên pháp chế sẽ có đặc thù công việc như sau: công ty mới thành lập nhưng làm nhiều về hợp đồng, nhãn hiệu và nhân sự nên cần tuyển pháp chế, chế độ lương tương đối ổn nhưng thường bộ phận pháp chế chỉ có duy nhất 01 người (chính là bạn). 

2. Các công việc có sử dụng chuyên môn tuy nhiên không quá chuyên sâu và đòi hỏi nhiều kỹ năng khác:
Một số công việc khác được khá nhiều sinh viên học luật lựa chọn là: chuyên viên bán bất động sản, thư ký hội đồng quản trị, kiểm soát tuân thủ, nhân sự, C&B, thừa phát lại, công chứng,....
Các vị trí này thường sẽ yêu cầu một kiến thức nền tảng pháp luật nhất định và kiến thức pháp luật đặc thù của công việc đó. Ví dụ: chuyên viên bất động sản thì cần có kiến thức về luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở; thư ký hội đồng quản trị thì cần nắm chắc luật doanh nghiệp, luật chứng khoán; làm nhân sự thì cần biết luật lao động, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân,....
Ngoài ra sẽ yêu cầu các kỹ năng riêng của công việc đó như: tìm kiếm ứng viên, phỏng vấn, sale sản phẩm, hiểu biết về quy trình, quản trị rủi ro,...

Các công việc này thường ít được các bạn sinh viên mới ra trường lựa chọn vì cho rằng làm các công việc này là không đúng chuyên ngành mà mình được học. Tuy nhiên, mình thấy rằng đây là một thị trường ngách cực tiềm năng cho cử nhân luật. Đơn cử là vị trí thư ký hội đồng quản trị (không hệ giống thư ký giám đốc nha các bạn). Vị trí này thường được các công ty cổ phần, sắp niêm yết hoặc đã niêm yết săn đón cực nhiều với mức đãi ngộ tốt. Vì vậy, nếu quá chán các công việc "chạy thủ tục", "shipper pháp lý", hoặc cạnh tranh tại các law firm, pháp chế in-house quá vất vả, thì đây là mảng thị trường lao động rất phù hợp cho sinh viên luật mới ra trường.

* Giải thích qua một chút về vị trí Thư ký HĐQT: tại các công ty cổ phần có quy mô lớn, đặc biệt là các công ty niêm yết, việc ban hành các biên bản, nghị quyết, công bố các thông tin có liên quan lên ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch là rất nhiều và là một hoạt động vô cùng quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, các bạn có kiến thức về doanh nghiệp, chứng khoán và thêm một chút kinh nghiệm sẽ được các tập đoàn lớn săn đón. Đặc biệt, vị trí này tiếp xúc với những người quản lý của doanh nghiệp (thành viên HĐQT), các cổ đông lớn, nắm được các thông tin hoạt động, đầu tư (do soạn biên bản, nghị quyết) và rất rất nhiều thông tin quan trọng khác của công ty. Do đó, công ty thường có chế độ đãi ngộ tốt và mong muốn nhân sự làm việc lâu dài đối với vị trí này.

3. Các công việc trái ngành khác:
Những công việc trái ngành là những công việc mà theo mình hầu như không sử dụng kiến thức và chuyên môn các bạn được đào tạo tại đại học. Một số công việc khá phổ biến mình thấy sinh viên ra trường nói chung (trong đó có cả sinh viên luật) lựa chọn khi không thể/không muốn theo ngành luật là: Lễ tân, telesale, chăm sóc khách hàng, bán bảo hiểm, đi bán hàng, đi kinh doanh,...
Nói chung việc lựa chọn làm trái ngành thì phần lớn mọi người đều không mong muốn. Những bạn không có đam mê với ngành luật lựa chọn công việc khác theo đam mê của bản thân là không hiếm. 

Tuy nhiên, cũng không ít các bạn sinh viên chấp nhận làm trái ngành vì thời điểm đó gánh nặng kinh tế quá lớn, việc đi làm ở các văn phòng luật lương khởi điểm là 3 triệu - 4 triệu thực sự không đủ để các bạn có thể theo đuổi nghề. Việc làm các công việc như lễ tân, chăm sóc khách hàng có thể cho các bạn một nguồn thu nhập ổn định hơn (trung bình từ 7tr - 9tr). Nhưng thật sự, nếu bạn không có niềm yêu thích và tìm được hướng đi riêng, thì những công việc đó có rất ít con đường để phát triển và thăng tiến.

Một số quan điểm của mình có thể đụng chạm tới công việc hiện tại của nhiều người, và tất nhiên có khi chưa bao quát vì bản thân mình cũng không thể trải nghiệm hết vị trí các công việc để biết hay dở ra sao. Việc lựa chọn công việc của mỗi người cũng là quyết định cá nhân, mình không có quyền phán xét hay đánh giá. Thời điểm mình mới ra trường mình cũng thực sự rất hoang mang, số kinh nghiệm ít ỏi cũng không đủ để mình có thể apply vào những vị trí mà mình mơ ước. Hay ngay cả thời điểm hiện tại, khi đang đi đúng con đường mà mình vạch ra, mình vẫn có ý định chuyển sang một công việc trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. 

Vì vậy, mong rằng các bạn sinh viên mới ra trường hay sắp ra trường hãy tự tin và nỗ lực dù có lựa chọn công việc nào cho bản thân đi nữa.
Nếu các bạn có thắc mắc nào liên quan đến việc ứng tuyển vào các vị trí trên, cứ comment cho mình biết nha, biết đâu chúng ta có thể nhận ra được điều gì đó mới mẻ. :)


You May Also Like

3 nhận xét

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. em cảm ơn chị đã chia sẻ, em hiện tại đang là sv năm 4, cảm thấy rất mông lung c ạ công nhận nghề này phải có một niềm đam mê mãnh liệt :)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy tự tin vào bản thân và đừng áp lực quá nhé. Khi mới ra trường, chị cũng có 1 khoảng thời gian thất nghiệp 2 tháng đó. Chúc em tìm được niềm đam mê và một công việc phù hợp với mình.

      Xóa