CÁC ĐIỂM MỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 (CHI TIẾT)

by - 18:32:00

Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2020 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 (“Luật Doanh nghiệp 2020”). 

Các thay đổi cơ bản của Luật Doanh nghiệp 2020 đã được nêu tại phần 1: CÁC ĐIỂM MỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 (TỔNG QUAN)



Dưới đây là diễn giải chi tiết các nội dung đó:

II.    CHI TIẾT:

1.      Biên bản họp HĐTV, HĐQT, ĐHĐCĐ không được chủ tọa, thư ký ký thì vẫn có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên dự họp ký[1]:

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định trường hợp Chủ tọa, thư ký không chịu ký vào Biên bản cuộc họp HĐTV, cuộc họp HĐQT và cuộc họp ĐHĐCĐ thì Biên bản vẫn có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên HĐQT/HĐTV dự họp ký. 

Ngoài ra, Nghị quyết của HĐTV được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp sai về mặt trình tự và thủ tục khi thông qua nghị quyết, quyết định đó.[2]

2.      Về ban kiểm soát của công ty TNHH và CTCP:

·        Không bắt buộc phải có ban kiểm soát trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên[3]:

Theo Luật doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Tuy nhiên, đối với Công ty là DNNN hoặc là Công ty con của DNNN thì bắt buộc phải có BKS. Theo đó, việc tổ chức Ban kiểm soát trong mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên tương tự như Công ty cổ phần. Điều 65 LDN 2020.

·        Trưởng Ban kiểm soát Công ty cổ phần không cần là kế toán viên/kiểm toán viên[4]:

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, trưởng ban kiểm soát công ty cổ phần không cần phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên và không cần làm việc chuyên trách tại doanh nghiệpmà chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

·        Thành viên Ban kiểm soát Công ty đại chúng và DNNN[5]: không bắt buộc phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên, đồng thời không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn.

3.      Chủ tịch HĐQT Công ty đại chúng không được kiêm nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty[6].

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

4.      Thành viên độc lập HĐQT không được tham gia HĐQT quá 02 nhiệm kỳ liên tục[7]

Thành viên độc lập Hội đồng quản trị không được tham gia HĐQT quá 02 nhiệm kỳ liên tục thay vì không hạn chế như trước đây. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện thành viên độc lập HĐQT phải không là người đang làm việc cho Công ty mẹ hoặc đã làm việc cho Công ty mẹ trong 03 năm gần nhất.

Luât DN 2020 cũng cho phép các giấy tờ, giao dịch của công ty không phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên Hội đồng quản trị như Luật doanh nghiệp 2014 nữa.

5.      Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty đại chúng không được có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp, KSV, người đại diện phần vốn góp[8]:

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định riêng về điều kiện đối với Giám đốc/Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đại chúng: (i) không được là người có quan hệ gia đình với người quản lý doanh, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ; và (ii) có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.

6.      Yêu cầu quy định rõ việc phân chia quyền (nếu có) của từng người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ[9].

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp điều lệ công ty không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng người thì tất cả đều là đại diện đủ thẩm quyền của công ty trước bên thứ ba và nếu gây thiệt hại thì tất cả phải liên đới chịu trách nhiệm.

7.      Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần[10]

So với quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần như sau:

Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty thì phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba

8.      Một số thay đổi trong thủ tục triệu tập và tổ chức họp ĐHĐCĐ:

·        Không cần xin ý kiến Phòng ĐKKD về việc gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ  thường niên[11]:

HĐQT sẽ quyết định việc gia hạn thời gian họp đại hội cổ đông thường niên mà không cần xin ý kiến và chấp thuận của Cơ quan đăng ký kinh doanh quyết định như trước đây (trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác).

·        Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời[12]:

Để tổ chức họp ĐHĐCĐ, Doanh nghiệp cần lập danh sách cổ đông có quyền dự họp không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời thay vì 05 ngày như trước đây. Đồng thời, bỏ quy định việc ủy quyền phải lập theo mẫu do Công ty phát hành, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các quy định của Bộ luật dân sự là được. Do vậy, khi gửi thông báo mời họp Công ty cũng không bắt buộc phải gửi kèm theo Mẫu giấy ủy quyền.

·        Điều kiện tiến hành họp cổ đông và thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ[13]:

Tỷ lệ cổ đông dự họp để đủ điều kiện tổ chức cuộc họp và tỷ lệ cổ đông dự họp để thông qua Nghị quyết của ĐHCĐ với một số nội dung thông thường và lấy ý kiến bằng văn bản được điều chỉnh tỷ lệ “từ 51% trở lên” xuống còn “trên 50%”.

 

9.      Cổ đông phổ thông nắm giữ tỷ lệ 5% cổ phần, không cần liên tục trong 6 tháng vẫn được hưởng một số quyền đặc biệt[14]:

Điều kiện để cổ đông hoặc nhóm cổ đông có một số quyền đặc biệt như: khởi kiện hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ,  xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ..... trước đây là phải nắm giữ tỷ lệ cổ phần ít nhất 10% trong công ty và sở hữu liên tục trong vòng ít nhất 06 tháng thì nay chỉ còn cần một điều kiện là nắm giữ tỷ lệ 5% cổ phần, cũng không cần phải liên tục trong 06 tháng.

10.  Chỉ các cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ nhỏ hơn theo Điều lệ mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát[15].

LDN 2020 quy định thêm chỉ các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (không yêu cầu về thời gian sở hữu) hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

11.  Bổ sung 01 tường hợp giao dịch dưới 35% phải được chấp thuận của ĐHĐCĐ[16]:

Bổ sung thêm trường hợp hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải được ĐHĐCĐ thông qua dù giá trị giao dịch dưới 35% tổng giá trị tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất của Công ty: “Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tải sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó. 

12.  Các nội dung ảnh hưởng đến cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi thì được thông qua khi 75% số cổ phần ưu đãi đó tán thành[17]:

Đối với các nội dung làm thay đổi bất lợi đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, thì nội dung này chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành. Đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, tỷ lệ thông qua cũng tương ứng là 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó của các cổ đông sở hữu.

13.  Bất cứ cổ đông nào cũng có quyền yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Quyết định, Nghị quyết của Hội đồng quản trị [18]:.

Nếu trước đây, chỉ những Cổ đông sở hữu cổ phần liên tục trong 01 năm mới có quyền yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Quyết đinh, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, thì sau khi LDN 2020 có hiệu lực, bất cứ cổ đông nào cũng có quyền yêu cầu khởi kiện hủy bỏ Quyết đinh, Nghị quyết của Hội đồng quản trị.

14.  Cho phép chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết[19]:

Luật doanh nghiệp 2014 cấm chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết (sau 03 năm kể từ thời điểm thành lập, cổ phần ưu đãi biếu quyết được chuyển thành cổ phần phổ thông và được tự do chuyển nhượng). Luật doanh nghiệp 2020 không cấm toàn bộ mà cho phép cổ phần ưu đã biểu quyết có thể chuyển nhượng theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

15.  Công ty TNHH có quyền phát hành trái phiếu[20]:

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quyền được huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty TNHH 1TV.

16.  Không phải thông báo phát hành cổ phiếu riêng lẻ tới sở KH&ĐT khi chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng[21].

Theo Luật doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục thông báo phát hành cổ phần riêng lẻ cho Sở kế hoạch đầu tư.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về cách thức thực hiện và điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ như sau: (i) Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; và (ii) Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Khi đáp ứng được các điều kiện, doanh nghiệp quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phải ưu tiên bán cho cổ đông hiện hữu. Sau đó nếu cổ đông hiện hữu không mua hết thì mới chào bán cho người khác với điều kiện không thuận lợi hơn đã chào bán cho cổ đông (cổ đông có thể chuyển quyền mua cho người khác). Quy định này không áp dụng trong trường hợp phát hành cổ phần để sát nhập hoặc hợp nhất.

17.  Quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ[22]:

Trước đây Luật doanh nghiệp 2014 không chia thành các quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ hay chào bán trái phiếu ra công chúng và không phân biệt công ty đại chúng và công ty thường. Luật doanh nghiệp 2020 đã phân biệt rõ quy định việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng sẽ tuân theo Luật doanh nghiệp, riêng đối với chào bán trái phiếu ra công chúng và chào bán trái phiếu của Công ty đại chúng sẽ thực hiện theo Luật chứng khoán mà không theo Luật doanh nghiệp.

Đặc biệt, luật quy định đối tượng tham gia mua trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

18.  Được phép sử dụng con dấu điện tử và không phải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng[23]

Luật doanh nghiệp 2020 dành một điều luật riêng để quy định về con dấu của doanh nghiệp. Theo quy định mới ngoài con dấu khắc thì bổ sung thêm hình thức con dấu bằng chữ ký số. Quy định mới này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các giao dịch điện tử.  

Đồng thời, Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng.

19.  Không cần thông báo khi thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp[24]:

Luật Doanh nghiệp 2020 không còn quy định phải thông báo thay đổi thông tin của Người quản lý doanh nghiệp (TV HĐQT, TV BKS, Giám đốc/Tổng Giám đốc).

Theo đó, khi có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của TV HĐQT, TV BKS, Giám đốc/Tổng Giám đốc thì không cần thực hiện thông báo thay đổi lên cơ quan đăng ký kinh doanh.

20.  Rút ngắn thời gian thông báo tạm ngừng/tiếp tục kinh doanh xuống 03 ngày[25]:

Luật doanh nghiệp 2020 rút ngắn thời hạn thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

Ngoài ra, Cơ quan ĐKKD ngoài việc có quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện khi xét thấy doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật thì còn có thêm các quyền: (i) Có quyền tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh đối với ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài; (ii) Yêu cầu tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thuế, môi trường; (iii) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.

21.  Không phải nộp lại con dấu, ĐKDN sau khi giải thể[26]:

Luật doanh nghiệp 2020 bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp con dấu, giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi làm thủ tục giải thể.

22.  Định nghĩa lại khái niệm Doanh nghiệp Nhà Nước (chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ)[27]:

Theo quy định cũ của Luật doanh nghiệp 2014 DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2020 quy định DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy khái niệm DNNN đã được mở rộng hơn so với trước đây, một số công ty trước đây không phải doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước chiếm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ) sẽ trở thành DNNN và phải tuân thủ các quy định pháp luật đối với DNNN.

23.  Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp; không được góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp[28]

Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm đối tượng Công nhân công an và Pháp nhân thương mại đang bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực vào nhóm đối tương không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, có sự liên kết với Luật phòng chống tham nhũng bổ sung thêm nhóm đối tượng không được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là các đối tượng bị cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng.

Ví dụ: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước và những người có liên quan của người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý. (Xem thêm: Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018).

24.  Cấm các công ty con có công ty mẹ là DN có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác[29]:

Đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước, trước đây Luật doanh nghiệp 2014 chỉ cấm không được cùng nhau góp vốn để thành lập doanh nghiệp, nay mở rộng phạm vi cấm sang cả cấm góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

25.  DNTN có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh[30]

Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.


[1] Điều 61, 146, 152 LDN 2014 – Điều 60, 150, 158 LDN 2020

[2] Điều 62 LDN 2020

[3] Điều 55 LDN 2014 - Điều 54 LDN 2020

[4] Điều 163 LDN 2014 - Điều 168 LDN 2020

[5] Điều 164 LDN 2014 -  Điều 169 LDN 2020

[6] Điều 152 LDN 2014 - Điều 156 LDN 2020

[7] Điều 150 LDN 2014 – Điều 154 LDN 2020

[8] Điều 157 LDN 2014 - Điều 162 LDN 2020

[9] Điều 13 LDN 2014 – Điều 12 LDN 2020

[10] Điều 160 LDN 2014 – Điều 165 LDN 2020

[11] Điều 136 LDN 2014 -  Điều 139 LDN 2020

[12] Điều 137 LDN 2014 - Điều 141 LDN 2020

[13] Điều 141, 144 LDN 2014 - Điều 145, 148 LDN 2020

[14] Điều 114 LDN 2014 - Điều 115 LDN 2020.

[15] Điều 114 LDN 2014 - Điều 115 LDN 2020.

[16] Điều 162 LDN 2014 – Điều 167 LDN 2020

[17] Điều 148 LDN 2020

[18] Điều 149 LDN 2014 - Điều 153 LDN 2020

[19] Điều 116 LDN 2014 – Điều 116 LDN 2020

[20] Điều 47, 73 LDN 2014 - Điều 46, 74 LDN 2020

[21] Điều 123 LDN 2014 - Điều 125 LDN 2020

[22] Điều 127 LDN 2014 - Điều 128 LDN 2020

[23] Điều 44 LDN 2014 – Điều 43 LDN 2020

[24] Điều 12 LDN 2014 – LDN 2020 bãi bỏ

[25] Điều 200 LDN 2014 - Điều 206 LDN 2020

[26] Điều 204 LDN 2014 – Điều 210 LDN 2020

[27] Điều 4 LDN 2014 – Điều 4 LDN 2020

[28] Điều 18 LDN 2014 – Điều 17 LDN 2020

[29] Điều 189 LDN 2014 - Điều 195 LDN 2020

[30] Điều 119 LDN 2014 - Điều 205 LDN 2020

You May Also Like

0 nhận xét